GS Đặng Hùng Võ khẳng định khi Phú Quốc lên thành phố, giá đất sẽ tăng gấp nhiều lần. Nhà đầu tư “gửi vàng” vào các hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng sẽ hưởng lợi lớn.
Đầu tư Nam đảo hứa hẹn sinh lời
Thưa ông, việc đảo Ngọc trở thành 1 thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ đem đến những cơ hội gì cho giới đầu tư bất động sản?
Phú Quốc là điểm đến đã được định hình từ rất lâu với triển vọng phát triển mạnh. Nơi này cũng là địa điểm có vị trí địa kinh tế đặc biệt trên con đường giao thương hàng hải nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Có thể nói hướng phát triển của Phú Quốc vô cùng rộng mở. Nhìn lại tổng thể, Phú Quốc mới đang ở giai đoạn đầu tư phát triển hạ tầng, dư địa khai thác tiềm năng nơi này còn lớn.
Phú Quốc phù hợp để hình thành những hệ sinh thái đô thị đảo du lịch đặc biệt, kỳ vọng mang tới những lợi ích lớn.
Giá BĐS Phú Quốc tương lai có thể đạt mốc kỳ vọng ra sao thưa ông?
Giá đất Phú Quốc hiện khá thấp, chỉ tương đương đô thị loại 2 trên đất liền. Chỉ sau 10 năm nữa, thành phố Phú Quốc sẽ trở thành đô thị loại 1, tôi tin giá đất có thể tăng gấp hai, ba lần. Như vậy nhìn để thấy đầu tư rất có lợi. Từ một nơi chưa hề có các công trình du lịch lớn, đến nay, nơi này có hệ sinh thái đô thị du lịch đảo đặc biệt sẽ tạo triển vọng tăng trưởng mạnh. Cụ thể là các lợi ích đầu tư khai thác BĐS du lịch. Giá trị đất đai tăng lên khá mạnh cùng sự phát triển của thành phố.
Như vậy, lộ trình phát triển của Phú Quốc đã là lời kêu gọi thu hút đầu tư tự nhiên. Lời kêu gọi này có sức quyến rũ, dễ thuyết phục, đầy mạnh mẽ.
Nam đảo Phú Quốc đã phát triển bứt phá chỉ sau 5 năm, từ chỗ trắng dịch vụ du lịch, nay đã hình thành hệ sinh thái quy mô, bài bản. Theo đánh giá của ông, sự phát triển như của Nam đảo liệu có đúng hướng?
Địa hình Nam đảo tạo nên cảnh quan đặc biệt đẹp, quá tuyệt vời cho đầu tư khai thác du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng. Trước đây, An Thới chỉ là một xóm chài, chưa có chút ý tưởng nào về phát triển đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tiềm năng cảnh quan thiên nhiên với núi, biển, trời của khu vực này cực lớn nhưng chưa được đầu tư xứng tầm.
Ví dụ, chỉ cần một biệt thự trên sườn dốc ở Nam đảo nhìn 3 mặt là biển dưới chân mình sẽ tạo nên giá trị gia tăng rất cao. Mặt khác, phía hướng Nam của biển lại có rất nhiều đảo nhỏ liên tiếp chạy dài. Trên một đảo nhỏ, đặt một biệt thự cũng là một không gian nghỉ dưỡng độc đáo. Giới nhà giàu nước ngoài sẵn sàng chi rất nhiều tiền để nghỉ ngơi tại biệt thự trên một đảo nhỏ tại đây.
Với triển vọng đó, phía Nam Phú Quốc rất dễ hình thành hệ sinh thái du lịch cộng sinh – nơi thích hợp để phát triển đô thị kết hợp với phát triển nhiều loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí đem đến hiệu quả du lịch cao, giúp thỏa mãn nhu cầu của mọi du khách, kể cả các du khách khó tính nhất. Đầu tư vào đây có độ hứa hẹn rất cao, hiệu quả tốt.
Theo ông, hiện Phú Quốc cần bổ sung thêm các công trình, sản phẩm, dịch vụ như thế nào để đáp ứng tiêu chí thành phố?
Hiện trạng Phú Quốc khá nghèo nàn, khu đô thị Dương Đông đã quá cũ, gần như thiếu các khu vui chơi giải trí, phố mua sắm. Phía Nam đảo chỉ là một xóm chài, tiềm năng du lịch lớn nhưng thiếu hoàn toàn các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, thể thao, văn hóa ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật…
Tương lai, Nam đảo sẽ có những đô thị mạnh gắn với du lịch, đặc biệt là tổ hợp căn hộ cao tầng đa chức năng, sở hữu vị trí trung tâm. Để làm việc này cần đầu tư nhiều, đầu tư theo định hướng để tạo nên một hệ sinh thái du lịch cộng sinh. Việc tính toán sử dụng nguồn lực thiên nhiên và sử dụng vốn đầu tư tạo nên sự khác biệt hoàn toàn phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư và nhà quản lý.
“Gửi vàng” vào hệ sinh thái, ắt thu lời tốt
Thưa ông, các BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng như ông nói là hệ sinh thái cộng sinh ở trên liệu có phải là xu hướng nổi bật của thị trường trong giai đoạn hiện nay cũng như tương lai?
Du lịch không đơn thuần là phát triển điểm lưu trú. Du khách cần vui chơi, thụ hưởng, trải nghiệm mua sắm, chơi thể thao, giải trí, chữa bệnh, tìm hiểu văn hóa… Việc tổ chức liên kết các BĐS phục vụ du lịch tạo nên một hệ sinh thái du lịch là xu hướng tất yếu. Sun Group khởi động xu hướng này khá tốt.
Ngoài các điểm du lịch, chúng ta có thể thấy các khu đô thị trợ giúp cho du lịch rất mạnh. Rồi các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa bản địa. Tất cả gọi là hệ sinh thái du lịch cộng sinh. Tức là BĐS này cộng sinh với BĐS khác tạo nên sự hấp dẫn và toàn diện của một điểm đến. Đây là hướng phát triển mới hiện nay mà chưa nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm, kinh phí để đầu tư phát triển. Các thành phần của hệ sinh thái tác động lẫn nhau để đẩy tính phong phú của du lịch.
Nhà đầu tư hưởng lợi gì khi đầu tư các BĐS nằm trong hệ sinh thái du lịch bài bản, thưa ông?
Bản thân sự tồn tại của hệ sinh thái đã giúp điểm đến trở nên nổi tiếng. Nhà đầu tư thứ cấp không cần suy nghĩ nhiều tới việc quảng bá, tính toán khả năng khai thác.
Thứ hai, khi hệ sinh thái phát triển thì giá trị ngày càng cao. Khi đó nhà đầu tư thứ cấp – những người đầu tư từng đơn vị BĐS trong hệ sinh thái du lịch sẽ hưởng lợi kép.
Sự thực mà nói, bài toán đầu tư luôn có rủi ro. Nếu bạn đặt tiền của mình vào không đúng chỗ, không hiệu quả thì chắc chắn sẽ thiệt hại. Còn đặt tiền vào chỗ hiệu quả thì chắc chắn sẽ được lợi và thậm chí lợi gấp nhiều lần.
Tất cả chỉ quy về việc “đặt tiền vào đâu”, gửi vàng cho ai thì không sợ mất. Những chủ đầu tư có kinh nghiệm, sức cạnh tranh cao, có kỹ thuật, có đầu óc và có thể giải quyết được bài toán vốn. Câu chuyện cũng rất giản dị, nhưng rất quan trọng vì nếu tính sai thì sẽ mất tiền.
Xin cảm ơn ông!